KHAI THỊ SỐ 59 - BẠN CÓ CHẮC CHẮC LÚC LÂM CHUNG SẼ TỈNH TÁO

9 months ago
40

Niệm Phật vãng sanh, đại đức xưa đều nói pháp môn này gọi là "đạo dễ hành". Thực tế mà nói cũng không dễ dàng, nhưng so với các pháp môn khác thì pháp môn này dễ dàng, vì sao vậy? Các pháp môn khác phải đoạn phiền não, pháp môn này không cần phải đoạn phiền não. Tuy không đoạn nhưng bạn phải phục được phiền não, phải có thể khắc phục được phiền não, phiền não tuy có nhưng không khởi được tác dụng, bạn mới có thể đới nghiệp vãng sanh. Phiền não có, phiền não thường hay khởi tác dụng, thì bạn không thể vãng sanh rồi. Đồng tu chúng ta nhất định phải ghi nhớ, phiền não tập khí hiện tại phải buông xả, không nên cho rằng hiện tại không cần phải lo, đến lâm chung ta hãy buông xả. Bạn có nắm chắc lâm chung buông xả được hay không? Nếu như khi lâm chung biến thành chứng ngờ dại thì làm sao? Vậy thì xong rồi. Tại vì sao có thể biến thành chứng ngờ ngệch? Không thể buông xả biến thành. Bạn quả nhiên tất cả buông xả, khi lâm chung quyết định sẽ không có chứng ngờ ngệch. Ở trong Kinh Đại thừa Phật nói với chúng ta rất nhiều: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh". Chúng ta một người ở thế gian này nhiều thứ bệnh khổ đều là từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng cái gì? Tưởng cái bất thiện. Tâm địa hoàn toàn thuần thiện thì làm sao có thể bị bệnh? Tại vì sao người thuần thiện không sanh bệnh? Người thuần thiện không có "ta" thì ai bị bệnh? Có "ta" thì ta mới bị bệnh, không có ta thì ai bị bệnh? Bệnh đến không có chỗ bám, tìm không được chỗ bám vào. Có "ta" mới có bệnh, không có ta thì không có bệnh. Không chỉ không có bệnh, bạn lại nghĩ xem, cũng không có chết. Có "ta" mới có chết. Ai chết? Ta chết. Ta không có rồi, vậy thì ai chết? Không có chết. "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh", cho nên chúng ta nhất định phải đem tự tư tự lợi, đem cái ta buông xả, bỏ đi, đó chính là Phật Bồ Tát rồi. Phật Bồ Tát cùng phàm phu khác nhau chính ở điểm này.
Nếu chúng ta chân thật học Phật Bồ Tát thì phải đem cái ta, đem cái tư lợi bỏ hết. Bồ Tát hạnh là gì? Tất cả là vì người khác, vì xã hội, vì chúng sanh. Họ cũng sinh hoạt biểu diễn, giống xướng kịch vậy, biểu diễn cho người khác xem, biểu diễn dạy người khác giác ngộ, đây gọi là Bồ Tát. Tiết mục của Bồ Tát biểu diễn thì quá nhiều, phương thức cũng không như nhau. "Kinh Hoa Nghiêm" sau cùng dùng Kinh văn 40 quyển, 53 vị Phật Bồ Tát biểu diễn ra cho chúng ta xem, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, có chánh diện, có phản diện. Không luận là chánh diện hay là phản diện, không việc gì khác ngoài làm cho chúng sanh giác ngộ.
Chúng ta phải biết học. Biết học thì không ai không đạt được lợi ích. Cho nên, chân thật khế nhập cảnh giới Hoa Nghiêm. Cảnh giới Hoa Nghiêm ở đâu vậy? Đời sống hiện thực của chúng ta. Chúng ta xem thấy người tốt, đây là thiện tri thức, chúng ta phải học tập với họ, học mặt tốt của họ. Họ có mặt không tốt đó, mặt bất thiện đó, làm cái mặt ác đó cũng là thiện tri thức của chúng ta, nhắc nhở chúng ta hành vi ác, việc làm ác đó, ta phản tỉnh lại xem ta có hay không? Nếu ta có thì phải mau sửa đổi. Bởi vì người rất không dễ gì phát hiện lỗi lầm của chính mình, rất dễ dàng xem thấy lỗi lầm của người khác. Xem thấy lỗi lầm của người khác, không nên đem lỗi lầm đó để vào trong tâm, mà hồi quang phản chiếu, xem xem chính mình có lỗi lầm giống như vậy hay không? Nếu như có thì lập tức liền sửa, cho nên người đó cũng là thiện tri thức của chúng ta. Đây chính gọi là Phật nhãn, xem thấy tất cả chúng sanh đều là Phật. Phật ở nơi đó biểu diễn để chúng ta giác ngộ, giúp chúng ta thay đổi tự làm mới, cho nên đều là thiện tri thức, đều phải nên cung kính cúng dường. Họ biểu diễn thiện pháp thì chúng ta tán thán, biểu diễn bất thiện thì không tán thán. Đây là Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta. Họ biểu diễn không phải thiện thì không tán thán, thế nhưng nhất định cung kính cúng dường, nhất định phải chăm chỉ nỗ lực học tập. Đối với bất thiện, sau khi xem thấy rồi quay đầu lại phản tỉnh chính mình, nếu như có lỗi lầm giống y như họ thì phải mau sửa, "có thì sửa đổi, không thì khích lệ", nghĩ lại ta không có cái lỗi lầm này, khích lệ chính mình từ nay về sau không nên phạm lỗi lầm giống như họ. Cho nên thiện pháp, ác pháp, người thiện, người ác thảy đều là thiện tri thức của chúng ta, thảy đều là chư Phật Bồ Tát đang thị hiện ở trước mặt chúng ta dạy bảo chúng ta. Cho nên sau khi vào cảnh giới Hoa Nghiêm, người tu hành chỉ có chính mình là phàm phu, ngoài chính mình ra, toàn là chư Phật Như Lai hóa hiện, chính mình có lý nào mà không thành đạo vô thượng chứ?

Download MP3: https://ph.tinhtong.vn/khaithingan

Loading comments...