Kinh tự thắp đuốc lên mà đi - Thiền môn nhật tụng

3 years ago
77

#kinhtung #phatgiaonguyenthuy #thienmonnhattung
Kinh tự thắp đuốc lên mà đi
Thiền môn nhật tụng - TG. Minh Thạnh
Đàm Linh Thất - Sống trong thực tại. Bình an tự tâm
Kinh Tự Thắp Đuốc Lên Mà Đi
Khi đức Phật bệnh nặng tại Beluva gần Vesàli, thầy Ananda đến ngồi bên cạnh đức Phật và chia sẻ với người, Bạch đức Thế Tôn, con phụng sự Thế Tôn trong gần bốn mươi năm qua, chưa bao giờ con thấy người bệnh nặng như lần này. Có hôm con thấy người nằm im không động đậy, không di chuyển gì cả, con cảm thấy lo lắng, thậm chí tay chân con bủn rủn hết. Những lúc như vậy, tinh thần của con không được minh mẫn, con cứ cho rằng Thế Tôn sẽ không lành bệnh. Tuy nhiên, con nghĩ Thế Tôn nếu có viên tịch, chắc chắn sẽ để lại di chúc cho tăng thân, đằng này Thế Tôn chưa làm như vậy, nên con cảm thấy yên tâm được phần nào.

Lúc này Phật bắt đầu dạy thầy Ananda về nương tựa tự tính Tam Bảo, Này thầy Ananda, tăng thân còn chờ đợi gì ở Như Lai nữa, bốn mươi năm qua chẳng phải Như Lai đã để lại di chúc hay sao. Những gì thuộc về chánh pháp, ta đã chỉ bày rất đầy đủ, không thiếu sót gì, có còn gì mà ta chưa chỉ dạy các vị đâu.

Này thầy Ananda, chỗ nương tựa của người tu là chánh pháp, không phải một vị giáo chủ nào khác và không có gì phải nương tựa ngoài chánh pháp, vì chánh pháp chính là nơi nương tựa. Hãy sống và hành xử theo chánh pháp, theo tự tâm thanh tịnh của bản thân.

Thầy Ananda, Tam Bảo đã có sẵn trong mỗi người tu, khả năng giác ngộ và tỉnh thức là Phật, phương pháp hành trì chánh pháp là Pháp và chuyên tâm thực tập là Tăng. Không thể mang ba tự tính này ra khỏi người tu. Dù trời đất nghiêng ngả, hay mặt trời mặt trăng sập xuống, ba tự tính này vẫn nguyên vẹn không sứt mẻ. Đây là nơi nương tựa bình an và vi diệu nhất. Người tu hãy thực tập chánh niệm, thực tập bốn lĩnh vực quán niệm là phương pháp nương tựa đúng đắn nhất. Một vị giáo chủ, hòa thượng, vị truyền giới, thượng thủ hay bổn sư của mình cũng chưa phải là nơi nương tựa đúng đắn, cũng không thể sánh được ba tự tính sẵn có trong mỗi chúng ta.

Thầy Ananda, điều gì ta cần dạy thì ta đã dạy rồi, ngọn đuốc mình cần đi theo là ngọn đuốc chánh pháp, ta đã trình bày sẵn ra rồi, các thầy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Không nhất thiết phải có người lãnh đạo tăng thân hay bắt buộc người tu phải phụ thuộc vào bất cứ người nào. Đâu cần lí do gì để Như Lai để lại di chúc nữa.

Thầy Ananda, giờ đây Như Lai sức đã tàn, lực đã kiệt, tuổi thanh xuân đã qua từ lâu và đến lúc cũng phải để tứ đại tan rã. Ta đã tám mươi tuổi, không khác gì một cỗ xe cũ kỹ, nhiều lúc phải cần những sợi dây thừng để cỗ xe có thể đứng vững, giữ cho các linh kiện của nó không bị văng ra. Thân của ta cũng như vậy, cần những sợi dây thừng để rào cột lại. Chỉ khi nào Như Lai không còn nghĩ đến chuyện gì nữa, mọi cảm thọ không còn, tâm hoàn toàn bất động, thì thầy nên biết rằng lúc đó thân Như Lai mới thật sự thoải mái.

(Phật Dạy Nương Tựa Tự Tính Tam Bảo – Theo The Buddha And The Gospel Of Buddhism, trang 66-67)

Loading comments...